Thứ Ba, 31 tháng 8, 2010

180 độ

Cái gì đã khiến thị trường biến đổi hoàn toàn trong một thời gian ngắn:

15 ngày trước: Ngưỡng hỗ trợ 480 tưởng khó phá nhưng đã bị phá vỡ hết sức dễ dàng, thị trường tuột dốc hơn 60 điểm, cổ phiếu bán tháo với khối lượng lớn, dư mua = 0
2 ngày gần đây: Thị trường tăng điểm liên tiếp 2 ngày, mỗi ngày gần 15 điểm, dư bán hầu như nằm giá trần, dư mua lớn ở rất nhiều cổ phiếu
Tâm lí nhà đầu tư: Ngoắt 1 cái từ pennies sang blue chips, các blue chips tự nhiên lên ngôi mà dòng tiền thì chẳng có gì thay đổi, và từ bây giờ đến cuối năm còn những .... 1 tỷ 3 trăm ngàn cổ phiếu mới được phát hành?
Giải chấp: Vài hôm trước hàng giải chấp tràn ngập nhưng chỉ vài hôm sau, chẳng thấy bóng dáng 1 cổ phiếu giải chấp nào, hàng loạt các mã nằm sàn với dư mua =0 thì nay đã trần! Các cty chứng khoán nỗ lực giải thích rằng làm gì có hàng giải chấp!
Thị trường: Thị trường chuyển từ 80% mã sàn sang 80% mã trần trong vòng 1-2 ngày!

Cái gì đã làm thị trường biến đổi? Tôi chịu.

Thứ Sáu, 27 tháng 8, 2010

Dấu hiệu của đáy?

VN-Index tăng điểm 2 ngày liên tục và đều vào cuối của phiên giao dịch là một tín hiệu tốt nhưng nếu nói là đáy đã được hình thành thì vẫn quá sớm. Thông thường trong một bear-market, thị trường luôn có những phiên phục hồi, điều quan trọng là sự phục hồi này thành công hay thất bại sẽ quyết định xu hướng của thị trường tiếp theo.
Thứ 1: Khối lượng và giá trị giao dịch vẫn thấp, mặc dù blue-chips tăng điểm là một tín hiệu tốt nhưng blue-chips quá phụ thuộc vào NĐT nước ngoài, điều này lại xấu
Thứ 2: NĐT trong nước tâm lí vẫn sợ hãi và tâm lí bán tháo cổ phiếu khi có thể gỡ lại 1 phần lỗ nào đó.
Thứ 3: Chứng khoán thế giới lao dốc, trong năm nay nhiều lần DJ đã quay xuống dưới 10.000 điểm, chỉ số Nikkei thấp nhất trong vài năm trở lại đây, chứng tỏ nên kinh tế vẫn còn rất nhiều rủi ro, suy thoái kép vẫn lơ lửng trên đầu.
Thứ 4: Chính sách vĩ mô của VN sẽ chịu ảnh hưởng của kinh tế thế giới, như: phá giá đồng nội tệ, lãi xuất cơ bản tăng, thắt chặt tt bất động sản, lạm phát, cpi tăng cao. Nên từ nay đến giữa 2011 sẽ ko có thay đổi lớn và TTCK không thể tăng mạnh.

Kết luận: Như vậy, có 2 tình huống xảy ra
1. Nếu đáy thực sự là 420 (60%): thì VN-Index sẽ nằm ở khoảng 420-450 từ nay đến cuối năm, chấp nhận sự thật, cơ cấu lại danh mục, bám sát các sóng ngắn hạn và sóng ngành.
2. VN-Index rơi xuống dưới 420 (40% - sẽ xảy ra khi kinh tế thế giới xấu hơn dự đoán) thì ngưỡng hỗ trợ tiếp theo sẽ là 380, tình huống này rất xấu và rất có thể VN-Index sẽ rơi thấp hơn nữa, 320 chẳng xa vời. Rời khỏi thị trường một thời gian là lựa chọn số 1.

Thứ Tư, 25 tháng 8, 2010

Câu chuyện về con gà gô

Chuyện kể rằng, có một ông già chuyên đi bẫy gà gô, ông ta mang theo một cái bẫy là một cái lồng khá lớn, có cửa bên trên. Cái cửa được giữ cho mở bằng một cây chống nhỏ, được nối với một sợi dây dài đến chỗ ẩn nấp của ông già. Ông già rắc ngô trên con đường lũ gà gô hay qua lại để dụ chúng vào bẫy, trong lồng ông để nhiều ngô hơn. Khi lũ gà đã vào đầy lồng, ông già giật cái sợi dây, cái cửa sập xuống nhốt lũ gà trong lồng. Nhưng khi sập cửa xuống thì ông phải đến mở cửa mới bắt được lũ gà trong lồng, làm cho những con bên ngoài hoảng sợ bỏ chạy mất. Một ngày nọ, 12 con gà đã chui vào lồng, nhưng một con lại bỏ ra ngoài, còn lại 11 con. Ông già lẩm bẩm: "ta phải chờ cho đủ 12 con mới giật giây, chờ một lát thế nào con kia chẳng quay trở lại". Trong khi ông đang chờ cho con thứ 12 quay trở lại thì 2 con nữa lại đi ra ngoài. Ông nghĩ bụng" "Thôi 10 con cũng được, chỉ cần một con nữa quay lại là ta giật dây". Tiếp theo 3 con gà nữa ra khỏi lồng, ông già vẫn đợi. Ông không muốn về nhà mà chỉ bẫy được có chưa đầy 8 con gà. Ông vẫn hy vọng những con ban đầu sẽ quay trở lại. Cuối cùng lũ gà ra gần hết, chỉ còn 1 con duy nhất trong lồng. Ông già quyết định sẽ đợi cho con cuối cùng này ra nốt để gọi các con khác quay vào, ông sẽ giật dây. Rồi con gà cuối cùng cũng nhập đàn với những con khác, ông già ra về với cái lồng rỗng không.

PS: "Tâm trạng của nhà đầu tư bình thường cũng không khác trường hợp này bao nhiêu. Họ cứ hi vọng lũ gà sẽ quay lại chiếc lồng trong khi lẽ ra họ nên lo sợ rằng tất cả lũ gà sẽ đi ra hết và họ sẽ trắng tay".

Đừng bao giờ đi ngược lại với thị trường

Một lần nữa ta lại thấm thía câu nói " Đừng bao giờ đi ngược lại với thị trường" , khi Mr. Market u ám, chẳng gì có thể ngăn được ông ta. Các công ty chứng khoán thi nhau bán tháo cổ phiếu margin, nhà đầu tư đua sàn để thoát khỏi thị trường. Tâm lí hoảng loạn tràn ngập, các cổ phiếu được bán sàn không thương tiếc, cổ phiếu càng tốt (margin nhiều) thì càng giảm sàn, dư mua = 0. Một bear market chính thức hình thành, thị trường giảm sâu không đáy. CUT-LOSS bằng mọi giá là việc nhà đầu tư đang làm, điều đó càng làm thị trường giảm sâu hơn nữa, nhưng đó là hành động khôn ngoan nhất.

Thứ Tư, 18 tháng 8, 2010

Làm gì bây giờ ?

Thị trường đang ẩn chứa nhiều rủi ro, những phiên up & down xen kẽ, dòng tiền bắt đáy sẽ muốn chốt lãi ngay khi thị trường lên điểm, tỷ giá liên ngân hàng tăng, lãi xuất khó mà giảm hơn nữa từ bây giờ đến cuối năm, áp lực giải chấp lớn, tự doanh và cá mập kẹp vì xu hướng làm giá thời gian qua không như mong đợi, không có dòng tiền mới vào thị trường.
Thị trường không thể thay đổi một sớm một chiều, nhưng không phải là không có cơ hội, lướt T+4 những mã có sẵn trong tài khoản, mua dần những cổ phiếu cơ bản tốt, chú ý những cổ phiếu trả cổ tức trong tháng 8 này, đó là cách khôn ngoan để giao dịch trong thời điểm hiện nay.

Thứ Ba, 17 tháng 8, 2010

Thị trường điều chỉnh trong phiên, phải chăng là dấu hiệu tốt?

Sau 2 phiên tăng ấn tượng, thị trường hôm nay có một phiên điều chỉnh ? Nếu kết thúc phiên hôm nay VNI tăng điểm thì đó là một dấu hiệu tốt. Điều lo ngại lớn nhất hiện nay là áp lực giải chấp, và xu hướng chốt lãi (hay cut-loss) mạnh khi thị trường tăng điểm nhanh như 2 ngày vừa qua. Tâm lí nhà đầu tư nói chung là chờ thị trường lên để bán, khối lượng kẹp ở giá cao là rất lớn, xu hướng này là rất nguy hiểm, 480 là ngưỡng kháng cự rất mạnh, để có thể vượt qua, thị trường cần nhiều phiên tích lũy thành công. Trong trường hợp ngược lại, thị trường giảm điểm, thì chúng ta sẽ phải cân nhắc mức hỗ trợ 450 trong những ngày cuối tuần. Thời điểm này hết sức nhậy cảm, nhà đầu tư nên quan sát thêm vài phiên trước khi có quyết định mua hoặc bán.

Thứ Hai, 16 tháng 8, 2010

Cơ hội thoát hàng và sóng T+4?

Chỉ với 800 tỷ 2 sàn, thị trường đã tăng ấn tượng với hàng loạt các mã tăng trần, những cổ phiếu giảm ít nhất trong tuần trước sẽ có cơ hội tạo lập một mức giá mới. Nhưng điều này càng chứng tỏ rằng lượng kẹp ở mức giá cao là khá lớn, và cơ hội thoát hàng và chốt lãi T+4 đến vào cuối tuần này khi VN-Index đạt tới ngưỡng kháng cự 480. Thị trường sẽ giảm vài phiên trước khi vượt qua 480 vào tuần sau, đây là cơ hội để nhập những cổ phiếu tốt, mức giảm thấp nhất trong tuần trước, đó là những cổ phiếu sẽ tăng mạnh khi VN-Index vượt qua 480.

PS: Những cổ phiếu tăng trần với lượng giao dịch thấp, không phải là những cổ phiếu tốt, vì có thể sẽ sàn mai kia khi sức ép chốt lãi và thoát hàng tăng lên.

Chủ Nhật, 15 tháng 8, 2010

Tuần 33: Một tuần tăng điểm ?

Kết thúc phiên giao dịch 13/8, các chỉ số đều cho thấy mô hình tăng điểm của thị trường trong tuần tới. Đây là cơ hội để thoát hàng hay cơ hội mua vào những cổ phiếu cơ bản tốt? Xu thế trung và dài hạn còn mờ mịt với chính sách vĩ mô chưa được cởi mở, chỉ số giá tiêu dùng dự đoán sẽ tăng trong tháng 8, lãi xuất rất khó hạ thấp hơn, thông tư 13 có hiệu lực từ 1/10 sẽ xiết chặt thêm dòng tiền đổ vào chứng khoán, tình hình thế giới vẫn còn nhiều biến động, kinh tế Mỹ hồi phục và tăng trưởng chậm chạp, các gói giải cứu kinh tế không hiệu quả như mong đợi. Về mặt ngắn hạn, dòng tiền bắt đáy sẽ nhanh chóng thoát ra khỏi thị trường khi có lãi từ 10-15% trong tuần tới.
Tôi vẫn cho rằng các cổ phiếu cơ bản tốt đang ở mức giá rất hấp dẫn đối với những nhà đầu tư giá trị trong trung và dài hạn, xu hướng này sẽ đẩy các blue-chips và penny cơ bản tốt lên mức giá cao hơn trong quý IV, penny làm giá sẽ liên tục tạo bull-trap để thoát hàng, trước khi về đúng với giá trị thực của nó. Giai đoạn này sẽ diễn ra trong suốt quý III, và là tiền đề cho sự bứt phá của VN-Index trong quý IV.

PS: Nên tránh các công ty phát hành thêm cổ phiếu trong giai đoạn này, dòng tiền quá yếu để đón nhận một lượng "giấy" phát hành quá lớn.

Thứ Năm, 12 tháng 8, 2010

Hoảng loạn

Chẳng có thể dùng từ nào khác để diễn tả thị trường chứng khoán Việt nam hôm nay. Hoảng loạn. Nhà đầu tư thi nhau bán, bán bằng mọi giá. Nhưng thị trường cũng cho thấy là áp lực giải chấp vẫn cực kỳ lớn. Các quỹ và các công ty chứng khoán đang xả hàng để thu hồi tiền mặt về. 450 điểm chưa thể là đáy, và chúng ta chẳng biết được bao nhiêu sẽ là đáy của đợt suy giảm này. Dòng tiền mới vào thị trường yếu ớt và bị giáng một cú cực mạnh sẽ lại rút dần ra để bảo toàn vốn. Án binh bất động là hành động khôn ngoan thời điểm này. Trước mắt sẽ là những ngày đen tối của thị trường chứng khoán Việt nam.

Thứ Tư, 11 tháng 8, 2010

Bull-trap: Hãy bán các penny được làm giá

Thị trường sẽ tiếp tục giảm nữa, nhưng sẽ có các bull-trap liên tục, tại sao ư? vì các tổ chức và đội lái cần xả bớt các mã penny làm giá đang bị kẹp, nên tận dụng cơ hội này để thu tiền mặt về. Xu hướng đã rất rõ ràng, đó là cơ cấu vào các blue-chips và penny có cơ bản tốt. Lực cầu ở những cổ phiếu này rất lớn, nên giảm giá rất ít, bảo toàn vốn lúc này là tối cần thiết. Đừng thấy các hàng nóng tăng mà nhẩy vào, sẽ trả giá bằng chính tiền của mình đấy.
Những blue-chips nào nên mua lúc này ư? Hãy lọc những mã có kết quả kinh doanh quý II tăng mạnh so với quý II/2009 và quý I/2010. EPS 4 quý gần nhất > EPS 2009. Một số cổ phiếu bất động sản rất tốt, đừng bị ảnh hưởng bởi thông tin bất động sản khó khởi sắc, 80 triệu người Việt luôn luôn nghĩ đến nhà đất. Ngoài ra các cổ phiếu dầu khí, khí đốt, tiêu dùng chắc chắn sẽ khởi sắc trong quý III và quý IV. Hôm nay có một số mã tôi đặt dưới tham chiếu 1 giá mà cũng không khớp nổi, đó là những mã bạn cần mua vào đấy.

Thứ Ba, 10 tháng 8, 2010

Cơ hội mua vào các cổ phiếu có cơ bản tốt ?

Lực cầu bắt đáy khá mạnh cuối phiên giao dịch ngày hôm nay, nhưng chắc chắn thị trường sẽ còn giảm vài phiên nữa trước khi bật lên, các cổ phiếu cơ bản tốt bị nhấn chìm cùng với thị trường, có lẽ chưa bao giờ những cổ phiếu mà ta "mơ ước" có được ở mức giá hấp dẫn lại hiện thực đến thế. Tôi nghĩ rằng đây là cơ hội "mua dần" những cổ phiếu này.
Một số hàng nóng vẫn tăng giá, nhưng rủi ro trong giai đoạn này là rất cao, nhà đầu tư đã mất dần niềm tin vào những cổ phiếu này, và dần dần chuyển hướng sang blue-chips và các penny có cơ bản tốt. Đây là một xu thế đúng đắn, có thể vực dậy thị trường chứng khoán Việt nam những tháng cuối năm.

Downtrend: Bài học cần nhớ lại

Một down-trend đã hình thành rõ hơn tại thị trường chứng khoán Việt nam? Liệu còn có một cơ hội gì cho nhà đầu tư? Nếu rút khỏi thị trường hãy rút ra hẳn đừng nấn ná! Nếu vẫn muốn bám giữ 1 cơ hội mỏng manh nào đó, có một điều bạn luôn luôn phải ghi nhớ "Những cổ phiếu nào giảm giá ít nhất sẽ là những cổ phiếu tăng giá mạnh nhất khi up-trend quay trở lại".

Thứ Hai, 9 tháng 8, 2010

Xu hướng làm giá và dòng tiền nóng đã phá sập thị trường

Từ đầu năm 2010, thiên đường của thị trường chứng khoán Việt nam là các cổ phiếu nhỏ được làm giá, đâu đâu ta cũng nghe thấy "đội lái", "đè giá", "đẩy giá", "gom hàng"... và thực sự nhiều người đã kiếm được khá tiền khi lướt sóng những cổ phiếu này. Người ta bắt đầu margin để chơi hàng nóng, dòng tiền đổ vào thị trường chủ yếu là từ cách này. Nhà đầu tư nhỏ cũng margin, lớn cũng margin, đội lái lại càng margin. Nhưng chơi hàng nóng cũng không dễ và gặp quá nhiều rủi ro, nhiều bài đã phân tích về điều này, thì áp lực giải chấp margin lên đến đỉnh điểm, các công ty chứng khoán sẽ tự động bán các cổ phiếu được khách hàng thế chấp để thu hồi tiền, hàng nóng chết, các cổ phiếu tốt cũng chết theo khi không có dòng tiền mới bổ xung vào thị trường. Âu cũng là nhân quả, và quả đắng này sẽ ảnh hưởng đến bao giờ, chúng ta không có câu trả lời?

Xu hướng đầu tư giá trị sẽ trở lại?

Khi mà các penny được làm giá không còn trụ nổi, dòng tiền nóng buộc phải rút khỏi thị trường thì nhà đầu tư sẽ quay trở lại với các cổ phiếu cơ bản tốt mà đã bị sóng làm giá nhấn chìm thời gian qua. Nhưng thị trường cần tích lũy ở một ngưỡng thấp hơn nữa, dấu hiệu này đã trở nên rõ ràng, trong thời gian đầu, blue-chips và các penny cơ bản tốt sẽ bị cuốn theo xu hướng giảm của thị trường đến khi các quỹ đầu tư giá trị vào cuộc. Tôi dự đoán ngưỡng này sẽ nằm ở mức kháng cự 420? Khi đã tích lũy đủ, thị trường sẽ bật lại là tất yếu, nhưng 550 có vẻ là đỉnh của năm 2010 này.
Thời điểm này, các nhà đầu tư cá nhân, phương pháp trading khôn ngoan nhất là tránh các cổ phiếu được làm giá, tận dụng các bull-trap để nắm giữ nhiều tiền mặt hơn (các bull-trap sẽ xuất hiện khi VNi giảm về dưới 470 và 450-460 sau đó), mua dần các cổ phiếu cơ bản tốt ở mức 420 khi một số chính sách vĩ mô được công bố và dòng tiền được cải thiện.

Thứ Bảy, 7 tháng 8, 2010

Bản tin T+4 (tuần 32)

Mức lãi cao nhất nếu bạn mua 1 cổ phiếu vào thứ 2 và bán ra vào thứ 6 là 21.54% (QTC), vị trí thứ 2 cách khá xa với mức lãi 14.81% (VFC), tiếp theo là SRB, HEV,DZM,ALP,VFR,LUT. Hầu hết các mã này đều tham chiếu hoặc giảm điểm vào ngày thứ 2 (2/8) sau đó tăng điểm mạnh trong tuần. Một số mã tăng nóng trong tuần trước đó (LUT,VNH) đã có dấu hiệu phân phối ngày thứ 6 (6/8) vừa qua.

Rõ ràng tuần 30 và 31 để tìm được một cổ phiếu có thể chơi T+4 là cực kỳ khó khăn, những cổ phiếu lên giá là những cổ phiếu có mức vốn hóa rất nhỏ (<= 2.5 triệu cổ phiếu) hoặc những cổ phiếu đã tăng nóng trong tuần trước đó, dù bạn có biết, bạn cũng không thể mua vào.

Thứ 6 (6/8) đánh đấu sự tăng trần của hầu hết các cổ phiếu SÁCH, tháng 8 hàng năm thường có sóng của ngành này, năm nay cũng không ngoại lệ nhưng dự đoán sóng sách năm nay sẽ ngắn hơn. Vì thế tuần 32 (9/8-13/8) sẽ là tuần của SÁCH, trừ một số đã tăng nóng từ trước, còn lại bạn sẽ dễ dàng nhập hàng. Theo thống kê của tôi thì trong họ nhà sách EBS là cổ phiếu có sóng dài nhất và ổn định nhất. Đừng bỏ lỡ con sóng này nhé.

Thứ Sáu, 6 tháng 8, 2010

Lợi nhuận thôi, chưa đủ đâu!

Hiện nay trên sàn niêm yết, các công ty thường công bố thông tin kiểu: doanh thu ra trước, lợi nhuận ra sau. Lợi nhuận ư? Chưa đủ đâu. Nhà đầu tư non kinh nghiệm thường không xem xét kỹ thông tin và cơ cấu lợi nhuận mà công ty công bố. Lợi nhuận bao gồm: lợi nhuận từ hoạt động SXKD, lợi nhuận từ đầu tư tài chính, lợi nhuận từ việc bán tài sản. Trong đó lợi nhuận từ hoạt động SXKD là quan trọng nhất, nó thể hiện sức khỏe của công ty tại thời điểm hiện tại, những lợi nhuận khác không lâu dài, trồi sụt theo quý theo tháng. Điển hình như cổ phiếu LCG, lợi nhuận công bố quý II 61 tỷ nhưng lợi nhuận từ hoạt động SXKD là -2,5 tỷ? Có nghĩa là hoạt động SXKD của LCG quý II không tốt. Lập tức cổ phiếu LCG giảm xuống mức thấp nhất từ đầu năm 39.1. Một số công ty khác cũng gặp tình trạng tương tự, như VPH. Nếu là nhà đầu tư giá trị, thông tin này là khá quan trọng. Tôi vẫn nghĩ rằng một công ty chỉ tốt khi nó tập trung mạnh vào lĩnh vực chuyên môn của nó, việc đầu tư tài chính, đầu tư BĐS chỉ làm công ty hấp dẫn trong ngắn hạn, mà làm ảnh hưởng đến lợi thế kinh doanh của công ty trong dài hạn. Có quá nhiều ví dụ cho việc này: REE, SAM, PAN,TPC ...v..v

Đáy hay chưa?

Thị trường đã chạm đáy? Đó là câu hỏi của nhiều nhà đầu tư trong thời điểm hiện nay. Để trả lời cho câu hỏi này, chúng ta tự hỏi, liệu thị trường có giảm sâu nữa không? Tôi nghĩ là chúng ta cần tỉnh táo để xem xét thị trường. Đây là một đợt điều chỉnh hay là sự bắt đầu của một bear dài hạn? trong bối cảnh:
1. Thị trường thế giới khá ổn định
2. Lợi nhuận quý II của các doanh nghiệp trong nước và quốc tế khá tốt
3. Chính sách tiền tệ tiếp tục nới lỏng để khuyến khích tín dụng
4. Khủng hoảng tài chính châu Âu đã được kiểm soát
5. Kinh tế của một số cường quốc hàng đầu thế giới và châu á tăng trưởng (Mỹ, Đức. Nhật, Singapore, Thái lan)

Vậy thì lí do gì để có một bear dài hạn? Để tăng mạnh thì cần nhiều yếu tố nữa nhưng đánh giá thị trường chứng khoán Việt nam đang ở cuối của một đợt điều chỉnh thì sẽ hợp lí hơn.

Thứ Ba, 3 tháng 8, 2010

Thị trường đã chuyển dịch từ Penny được làm giá sang Blue-chips rồi sao?

Chẳng lẽ thời kỳ làm giá, đẩy giá, dìm giá, gom hàng đã hết? Thị trường chuẩn bị chuyển dịch sang một xu hướng mới trong Quý III/IV ? Đó là một điều khó tin trong bối cảnh dòng tiền thiếu hụt và ngắn hạn như thế này, nhưng giao dịch trong tuần cuối tháng 7 và tuần đầu tiên của tháng 8 lại bắt ta phải suy nghĩ như thế. Mà dù là có đúng như thế thì đó cũng là điều tốt cho thị trường chứng khoán Việt nam. Tôi tự hỏi thị trường sẽ lên như thế nào nếu các Blue-chips không lên nổi? Nhưng Blue-chips lên thế nào khi nguồn tiền yếu, có lẽ cần một chính sách vĩ mô phát huy tác dụng?

"Sẽ tích cực bơm vốn cho nền kinh tế"
"Lãi xuất giảm đẩy tín dụng tăng mạnh"

Có lẽ chỉ có thể mới có thể cứu được thị trường chứng khoán Việt nam. Trong khi chờ đợi tôi phải làm gì? Có lẽ khôn ngoan nhất là rút ra khỏi các penny nóng được làm giá và bắt đầu suy nghĩ đến 1 số các blue-chips có kết quả kinh doanh khả quan trong Quý II và Quý III chăng ???
Tôi vẫn đang suy nghĩ về câu trả lời này!