Thứ Ba, 20 tháng 7, 2010

Những chiêu làm giá mới

Các đội làm giá thay vì chỉ biết đến lợi nhuận cho mình đã chia sẻ lợi ích cho các đối tác nhiều hơn. NĐT cá nhân hiện nay cũng có cái nhìn khác đối với CP bị làm giá.
Những kiểu làm giá thô sơ như việc gom mua, đánh lên như BMC, TCT hay LBM trước đây đã không còn, thay vào đó là những chiêu thức tinh vi hơn.
Buôn có bạn, bán có phường
Để CP thu hút được NĐT cá nhân hiện nay phải thỏa mãn ít nhất 3 tiêu chí theo thứ tự sau: yếu tố đầu cơ, thanh khoản và thông tin. Hai tiêu chí sau chính là biểu hiện cho sự “khó tính” của NĐT cá nhân trong thời điểm hiện nay cũng như vai trò chủ động trong việc tiếp cận CP.
Mở rộng hợp tác
Một số NĐT sử dụng phân tích kỹ thuật đã phải thừa nhận việc ngồi nhà theo dõi biểu đồ, từ đó ra quyết định đầu tư đang ngày càng kém hiệu quả vì khi một thông tin xấu bất ngờ xuất hiện diễn biến giá CP có thể thay đổi 180 độ. Thay vào đó, NĐT hiện nay có xu hướng bắt tay chia sẻ thông tin cùng nhau, và kết quả là sự nở rộ các nhóm NĐT trên các diễn đàn với mục tiêu cuối cùng là “phím hàng”, “check thông tin”. Nhận thông tin mật qua SMS, email cũng không còn là đặc quyền dành riêng cho NĐT VIP mà được mở rộng thêm cho nhiều NĐT khác. Làm giá CP từ việc chỉ có "đội lái" và doanh nghiệp (DN) thì nay có thêm cả NĐT VIP. Trong các đợt làm giá, ngoài vai trò chủ chốt của “đội lái”, các NĐT VIP cũng được tham gia nhiều hơn. Sau khi thỏa thuận với DN về cách thức ra thông tin như thế nào, “đội lái” sẽ được DN bán cho một lượng CP để tiến hành đẩy giá. Lượng CP này sẽ tiếp tục được bán cho một nhóm NĐT VIP để tranh thủ nguồn lực đẩy giá. Việc phân tán CP này có thể dẫn đến một ai đó chốt lời trước khiến cho kế hoạch bị đổ bể, nhưng hiếm khi xảy ra vì làm như vậy sẽ bị tẩy chay không thương tiếc và lần sau không thể tham gia đẩy giá CP khác. Ở đây, các NĐT VIP với quan hệ của mình, cũng có thể kêu gọi các chiến hữu cùng tham gia đẩy giá CP, như vậy nguồn lực sẽ tăng lên nhiều lần. Đứng trên góc độ của một NĐT thông thường, nếu nghe thông tin CP được đánh lên từ một đội “lạ hoắc” nào đó sẽ không thể có tác dụng bằng việc biết được CP đó do người quen của mình trực tiếp đẩy giá. Lập luận được đưa ra: Chẳng lẽ người quen với mình lại nói xạo? Thực tế đã có không ít người phải lãnh quả đắng. Đã từng có những trường hợp người từ trong DN bắn tin cho người quen sẽ đánh CP từ 3.0 lên 4.0 nhưng rốt cuộc CP lại giảm xuống 2.0. Nhiều NĐT tưởng rằng mình được tham gia đẩy giá CP nhưng thực chất chỉ là con tốt trong tay các “đội lái” để nhử các NĐT khác.
Có gan phải kiên nhẫn
Sau khi NĐT nhận được thông tin về CP nào đó sẽ được làm giá, yếu tố tiếp theo sẽ là theo dõi KLGD của CP đó như thế nào, con số chấp nhận được phải là 100.000 CP/phiên. Đối với những NĐT nhận được thông tin sớm, đôi khi CP chỉ mới khớp 20.000-30.000 đơn vị/phiên sẽ theo dõi thêm, nếu con số này tăng nữa dấu hiệu cho thấy CP đã được tạo thanh khoản và yên tâm mua vào. Đây cũng chính là kịch bản lý tưởng cho một CP được đánh lên, chỉ cần thanh khoản tốt CP dù không tăng hoặc giảm giá, cũng có thể bán ra hoặc cắt lỗ an toàn. Nhiều NĐT đã đủ khả năng nhận ra việc CP có dấu hiệu tạo thanh khoản, nên thông thường quá trình này diễn ra khá lâu để “giống thật”. Nhiều người vì biết tin sớm quá đã mất kiên nhẫn, khi vừa bán ra CP lại tăng giá. GGG (Ô tô Giải Phóng) có thể xem là điển hình cho việc được nâng cấp thanh khoản, hiện nay mỗi ngày CP này khớp từ 200.000-300.000 CP trong khi quý I chỉ là vài chục nghìn. Hoặc như trường hợp của TST (Dịch vụ kỹ thuật viễn thông) trước mỗi đợt tăng giá thường có KLGD tăng mạnh. SJM (Sông Đà 19) những ngày qua tăng khá mạnh với KLGD vài trăm nghìn CP mỗi phiên nhưng cách đây 1 tháng CP này có những phiên khớp chưa đến 10.000 CP. Ngoài những thông tin theo kiểu không chính thống như CP sắp được đánh lên, sắp có tin “khủng” thì yếu tố thông tin chính thống cũng được chú trọng không kém. Các thông tin này sẽ do các CTCK cung cấp thông qua các buổi hội thảo và báo cáo. Năm 2009, chỉ cần CTCK phát hành báo cáo NĐT tự hiểu có khả năng, được đánh lên. Nhưng với việc rất nhiều CTCK tham gia làm báo cáo, NĐT đã chọn lựa kỹ càng hơn. Đã từng có trường hợp NĐT sau khi đọc báo cáo phân tích về một DN tiềm năng thay vì tiếp tục mua vào lại đem bán ra vì chất lượng báo cáo quá kém, không nêu được ưu điểm của DN. Một yếu tố khác mặc dù đơn giản nhưng cũng không kém phần quan trọng chính là P/E của CP. Lập luận của các NĐT khi chọn CP có P/E thấp là nếu có giảm cũng không giảm quá sâu. Và bản thân các đội làm giá cũng đang hướng đến những CP có P/E thấp để tạo cảm giác cho NĐT rằng “CP giá còn rẻ, còn tăng”.
“Đội lái” và những cuộc chiến
Một nhóm NĐT hoặc các tổ chức hợp tác với nhau có khả năng tác động đến giá CP có thể xem là một “đội lái”. Vị thế của các “đội lái” được phân chia theo tầm ảnh hưởng trên thị trường, mối quan hệ và nguồn vốn. Chính vì vậy để khẳng định tên tuổi cũng như dằn mặt đối thủ cạnh tranh, đã xảy ra không ít cuộc chiến giữa các "đội lái".
Ứng biến linh hoạt
Những NĐT có kinh nghiệm đều nhận xét: So với trước, các “đội lái” hiện giờ có kế hoạch bài bản hơn, thậm chí còn có cả kế hoạch B nếu kế hoạch A đổ bể. Các “đội lái” biết PR, tạo dựng uy tín cho mình, thường gửi tin nhắn hoặc gọi điện cho NĐT với nội dung gây sốc như: “5 phút nữa tăng trần”, “Đầu giá sàn cứ mua, cuối phiên sẽ trần”, hoặc “Anh muốn mua bao nhiêu để mai em đẩy hàng ra?”. Chỉ vài lần như vậy, NĐT cá nhân sẽ bị thu phục trước cách thể hiện có vẻ “anh cả” của “đội lái”. Rủi ro lớn nhất đối với các “đội lái” trước đây chính là diễn biến thất thường của thị trường chung, nhưng hiện nay các đội này cũng đã tìm ra được cách khắc chế. Thay vì đánh CP tăng nóng, tại những thời điểm thị trường lình xình các “đội lái” sẽ chủ động cho CP đi ngang để tạo ra tâm lý CP được giữ giá. Khi một mặt bằng giá mới đã được tạo thành, nếu thị trường chung diễn biến tiêu cực, CP cũng giảm không quá sâu. Như trường hợp CP S. được đồn sẽ đánh từ 3.0 lên 7.5 và giai đoạn 2 sẽ từ 7.5 lên đến 10.0. Nhưng khi tiến lên đến 6.0, diễn biến của thị trường không thật thuận lợi, dường như đã có động thái kìm giá của các “đội lái” và chờ đợi CP điều chỉnh giá do phát hành CP ưu đãi xuống chỉ còn hơn 2.0. Tại mức giá khá hấp dẫn này, CP S. lại có hàng loạt phiên tăng lên đến 3.5. Trong trường hợp này, thay vì xả hàng bằng mọi giá, “đội lái” đã khá bản lĩnh khi ôm lại CP để đánh lên lại và bắn tin ra ngoài sẽ đánh CP trở về mức giá 5.0. Hoặc như trường hợp của một CP nóng trong họ Dầu khí, khi đang được đẩy lên ngon trớn thì thị trường chung điều chỉnh. Thay vì vung tiền ra để đỡ giá CP, “đội lái” CP đã chấp nhận để CP giảm trở lại, chờ khi thị trường đảo chiều mới bung tiền ra để đánh lên tiếp. Điều này một mặt hạn chế được nguồn cung CP ra thị trường, tránh việc giá bị giảm quá sâu; mặt khác, mua 1 triệu CP với giá đáy để đẩy CP lên sẽ hiệu quả hơn so với việc bỏ ra nhiều tiền hơn để đỡ CP với giá cao.
Những cuộc thanh trừng
Mới đây, NĐT đã rỉ tai nhau về một vụ dằn mặt giữa hai CTCK trong việc đánh lên một CP thuộc nhóm ngành bất động sản. Thông thường trước khi đánh lên một CP nào đó, các “đội lái” chuyên nghiệp sẽ phải tìm hiểu rất kỹ lưỡng cơ cấu cổ đông của doanh nghiệp xem có một “cá mập” ẩn mình nào không. Nếu có, “đội lái” sẽ tiến hành thương lượng với “cá mập” đó để tránh trường hợp bị đánh úp. Thế nhưng có một CTCK đã gom mua CP mà không thương lượng vì tưởng rằng đã mua hết số CP từ đối thủ bán ra. Rốt cuộc, sau khi đánh lên được vài phiên, CTCK này đã bị CTCK đối thủ xả hàng rất mạnh, kèm theo thị trường chung đang diễn biến không thuận lợi, nên CP đã giảm về dưới cả mức giá trung bình mua vào. Một trường hợp khác là tin đồn về việc 4 CTCK liên minh để đánh CP T. tăng giá. Cả 4 CTCK này đã thỏa thuận với một “cá mập” để không bị rơi vào tình trạng xả hàng. Kết quả là CP T. này đã tăng giá được 3 phiên nhưng sang đến phiên thứ tư, một lượng hàng từ “cá mập” kia đã được tung ra ồ ạt và CP T. đã giảm từ mức giá 4.0 xuống dưới 3.0 nên cả 4 CTCK phải ôm hàng. Theo nhận định của giới đầu cơ, các “đội lái” thường có vốn liếng tính bằng nghìn tỷ đồng và được dẫn dắt bởi các “chủ tướng” có số má hẳn hoi. Nhưng hiện nay, với việc số lượng CP tăng lên, các “đội lái” cũng trở nên đa dạng hơn. Hàng loạt doanh nghiệp niêm yết chỉ có vốn hóa 200-300 tỷ đồng, nên một nhóm NĐT cá nhân bỏ tiền ra đã có thể tác động đến giá CP hoặc thâu tóm. Nhiều “đội lái” vì quá hăng máu đã sử dụng đòn bẩy với tỷ lệ cao để đẩy CP, nhưng khi thị trường chung điều chỉnh, đã phải lãnh quả đắng vì CP bị bán ra sụt giảm thê thảm. Hiện nay một số “đội lái” mới nổi cũng khiến những anh cả kỳ cựu “ngứa mắt” và tất yếu những cuộc dằn mặt đã xảy ra. Một số “đội lái” tân binh mặc dù vốn mỏng nhưng lại thích thể hiện mình nên đã sử dụng đòn bẩy với tỷ lệ rất lớn để đánh CP, điều này đã tạo ra áp lực cho chính các “đội lái”. Thế mạnh của “đội lái” là tỷ lệ đòn bẩy có thể lên đến 10-15 lần, nắm được điều này các đối thủ khác bằng nhiều cách đã tìm được nguồn hàng cho riêng mình. Sau đó đợi các “đội lái” tân binh say máu đánh CP tăng hỗn được vài phiên sẽ tiến hành xả hàng thật lực. Với nguồn vốn tự có khá mỏng, các “đội lái” tân binh đã không thể chịu nổi cơn lũ xả hàng của các đối thủ. Trong nhiều trường hợp, “đội lái” cũng là tác nhân khiến CP không thể tăng giá được. Nhiều NĐT hễ xem thấy cơ cấu của DN nào có tên của một CTCK là lập tức tránh xa, vì chỉ cần có một “đội lái” khác nhảy vào đánh lên sẽ bị CTCK này đem hàng xả ra hàng loạt.

Theo Thái Ca
Báo Sài Gòn Giải Phóng – Đầu tư tài chính

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét